Skip to main content

Tính chất của tranh cổ động chính trị

Tranh cổ động chính trị là công cụ tuyên truyền hữu hiệu, nhanh chóng, kịp thời, dễ phổ cập, đáp ứng thông tin nhanh, thời gian sử dụng lâu dài.

Một tác phẩm tranh cổ động trong giai đoạn kháng chiến chống đế quốc Mỹ.

Tính nổi trội của tranh cổ động chính trị được biểu hiện qua truyền cảm nội dung và hình thức nghệ thuật của tranh cổ động, qua đó đem đến cho người xem những thông tin hữu ích về tư tưởng, tình cảm cách mạng, những cuộc đấu tranh thắng lợi, các chủ chương, kế hoạch của Đảng, Nhà nước trong các hoạt động xã hội, góp phần tạo niềm tin, cho khí thế mới, động lực mới, cổ vũ, động viên quần chúng nhân dân. Tuyên truyền cổ động chính trị còn tạo sự thống nhất cao về nhận thức tư tưởng và hành động trong Đảng, sự đồng thuận xã hội, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.

Suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, tranh cổ động chính trị đã được các nghệ sĩ sáng tạo ra với số lượng lớn đã cổ vũ kịp thời nhân dân đứng lên đấu tranh cách mạng. Trong các cuộc kháng chiến, chiến tranh bảo vệ tổ quốc, tranh cổ động chính trị đã thể hiện sức sống mạnh mẽ bền bỉ của mình phục vụ các hoạt động tuyên truyền.

Với vũ khí sắc bén là nghệ thuật tạo hình, “mỗi nghệ sĩ là một chiến sĩ”, bằng bút pháp nghệ thuật, đã sáng tạo nên nhiều tác phẩm mang nội dung hình ảnh chống lại mạnh mẽ những kẻ thù. Tranh cổ động chính trị đã gần gũi quần chúng, động viên, cổ vũ quần chúng cùng các giai tầng xã hội đoàn kết, hăng hái làm việc tạo ra của cải vật chất, phấn đấu giành thắng lợi vẻ vang trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. Khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” là đề tài lý tưởng cho các sáng tác tranh cổ động chính trị một thời, đã góp phần thúc giục toàn quân, toàn dân tiến lên đấu tranh để thống nhất đất nước, non sông thu về một mối.

Với chủ đề nội dung tư tưởng xuyên suốt của đường lối cách mạng, lực lượng họa sĩ giàu sáng tạo đã thể hiện nội dung hình ảnh trong tranh cổ động chính trị có lối biểu hiện mạnh mẽ, tính thời sự nóng, tạo nên sức cuốn hút thị giác mạnh, lôi cuốn người xem… đã làm cho tranh cổ động chính trị có vị trí tiên phong trong công tác tuyên truyền cách mạng. Tranh cổ động chính trị đã góp phần không nhỏ vào sự thành công chung của cuộc cách mạng dân tộc, đưa nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Trong đổi mới, hội nhập, hợp tác, bảo vệ Tổ quốc, với vai trò tuyên truyền cổ động, tranh cổ động chính trị đã sáng tác kịp thời, tạo lên khí thế trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quyết tâm đạt thành tích mới trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Các đề tài trong tranh cổ động chính trị đã đáp ứng đúng yêu cầu thực tiễn và cũng là trọng tâm trong công tác tuyên truyền chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; giữ gìn, bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc...

Hiện nay tranh cổ động chính trị đã có nhiều sáng tác mới trong các cuộc vận động sáng tác nghệ thuật tuyên truyền với các đề tài phong phú, các ấn phẩm được các nghệ sĩ sáng tạo nên từ những chất liệu bền vững, thời gian sản xuất nhanh, đã góp phần kịp thời cho công tác tuyên truyền chính trị thêm sống động, tạo khí thế và sự thành công toàn diện của đất nước.

Công cuộc hội nhập quốc tế đã mở ra chương mới cho giai đoạn phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tranh cổ động chính trị vẫn tồn tại và phát triển mạnh mẽ với những sáng tác mới bằng áp dụng công nghệ hiện đại. Công nghệ phần mềm vi tính, chất liệu in phun đã đáp ứng nhanh các yêu cầu đặt ra trong công tác tuyên truyền nhanh nhạy, kịp thời, phục vụ tốt nhất cho công tác tuyên truyền cổ động trực quan.

Trong sáng tác tranh cổ động chính trị, thuật ngữ “Tranh cổ động” được lý giải theo thuật ngữ phổ thông: “Tranh” là bức tranh, bức vẽ; “cổ động” là kích thích, tác động; “tranh cổ động” là loại tranh sáng tác nhằm mục đích tác động đến tâm lý người xem, truyền tải thông điệp tuyên truyền về một nội dung chủ đích nào đó. Tranh cổ động có đặc điểm mang tính thông tin thời sự; chuyển tải thông tin trực quan; hình thức sáng tạo sinh động; nội dung khẩu hiệu, thông tin ngắn gọn, súc tích, rõ ràng, dễ hiểu… bằng việc các nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật đồ họa, bố cục, đường nét, mảng, màu sắc. Tranh cổ động mang nội dung tư tưởng rõ ràng cùng với thông điệp mạnh mẽ để kích thích, cổ vũ quần chúng nhân dân, thu hút, động viên, hướng họ vào các hoạt động cụ thể như kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội để đạt được mục đích tuyên truyền đặt ra.

Thuật ngữ “Tranh cổ động” còn có tên gọi khác là “Tranh áp phích” (tiếng Pháp: Affiche, tiếng Anh: Poster) hay “Bích chương quảng cáo”, là một ấn phẩm được thiết kế kích thước lớn với mục đích tuyên truyền, truyền tải những thông điệp về sản phẩm, sự kiện văn hóa, kinh tế, chính trị hay một vấn đề nào đó... nhằm quảng bá nội dung đến quần chúng nhân dân.

Thuật ngữ “Tranh cổ động chính trị” Việt hóa gắn với chính trị, tư tưởng cách mạng của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà có tên “cổ động chính trị”, là công cụ tuyên truyền, phản ánh mọi mặt đời sống xã hội với mục tiêu hướng mọi người hiểu và hành động trước cái hay cái đẹp, những việc cần làm, hay không nên làm trong xã hội.

Với mục đích tuyên truyền cổ động chính trị mà hình thức “tranh cổ động chính trị” có đặc điểm chung là khái quát hóa, cách điệu hóa để trở thành biểu tượng: chữ trong tranh thường là khẩu hiệu, chữ nhấn mạnh cho phần hình ảnh, hình ảnh và chữ tương tác với nhau, hỗ trợ nhau làm cho nội dung một bức tranh thêm rõ nét, dễ hiểu. Ngoài ra, màu sắc, đường nét, bố cục trong tranh cần mạnh mẽ, tính biểu tượng cao, giúp người xem thêm cảm xúc, tạo nên ấn tượng, giúp người xem tiếp thu nhanh hơn. Tín hiệu hình ảnh cần tạo được cảm xúc thẩm mĩ tốt mới có ý nghĩa giục giã, kêu gọi những hành động từ phía người xem.

Mỗi bức tranh cổ động chính trị được tạo ra phải thể hiện được rõ đích đến với mục tiêu rõ ràng, dứt khoát, không sai lệch đường lối, chủ chương. Tranh cổ động chính trị có loại sáng tạo bằng cách giữ nguyên bố cục bức ảnh cùng với tính nguyên vẹn của nó, có loại lại kết hợp hình và chữ tạo bố cục, trong đó phần chữ là chính, phần hình chỉ tượng trưng phụ họa thêm.

So với các loại tranh khác, tranh cổ động chính trị thường tạo hình qua chữ, phản ánh bằng khắc họa hình ảnh và mang tính điển hình hóa cao. Tranh cổ động chính trị được sử dụng nhiều trong các hoạt động tuyên truyền trực quan, đặc điểm của nó là tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước qua hình ảnh và khẩu hiệu trên tranh.

Tranh cổ động chính trị là công cụ tuyên truyền hữu hiệu, nhanh chóng, kịp thời, dễ phổ cập, đáp ứng thông tin nhanh, thời gian sử dụng lâu dài.

 

 

 

Tranh cổ động "Độc lập - Thống nhất - Hòa bình - Hạnh phúc" của Họa sĩ Trần Từ Thành (Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc đầu tiên tổ chức năm 1976).

TÍNH ĐẢNG TRONG TRANH CỔ ĐỘNG CHÍNH TRỊ

Điều cơ bản của tranh cổ động chính trị là tuyên truyền cổ động trực quan, vì vậy cơ sở lý luận của sáng tác dựa trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng, pháp luật của nhà nước. Để phát động sáng tác nội dung đề tài tuyên truyền chính trị, đòi hỏi hình thức tranh cổ động chính trị phải phù hợp với công tác tuyên truyền chính trị. Chính vì vậy, tác phẩm phải trung thực, tính thời sự cao, phạm vi tác động mạnh vào thời điểm tuyên truyền.

Tính Đảng, tư tưởng trong tranh cổ động chính trị đòi hỏi hình ảnh trong tranh phải tạo nên niềm tin sâu sắc của quần chúng vào đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo của địa phương trong lãnh đạo, quản lý xã hội. Ngôn ngữ khẩu hiệu, bố cục hình ảnh trong tranh cần phải thể hiện được ý tưởng sâu sắc nhất quán trong sáng tạo nghệ thuật trên cơ sở lập trường của Đảng, lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc. Tranh cổ động chính trị phải có nội dung cụ thể, đề tài phải phản ánh được đường lối, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước bằng sáng tạo nghệ thuật khách quan, sinh động. Hình thức diễn tả trong tranh được biểu hiện qua đặc điểm của bố cục, hình ảnh, màu sắc, không gian, hình tượng nghệ thuật chắt lọc.

Tính khoa học trong tranh cổ động chính trị gắn với thực tế xã hội. Trong các sáng tác đề tài cổ động chính trị, định hướng sáng tác phải theo nội dung chủ đề rõ ràng về mục tiêu, tính chất, yêu cầu, chất lượng nghệ thuật, thể hiện rõ nội dung đề tài như các đề tài: Bầu cử Quốc hội; Đảng; Bác Hồ; Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Giữ gìn môi trường; Bảo vệ biển, đảo quê hương; Phòng chống bạo lực; Giáo dục; Y tế... Sáng tác tranh cổ động chính trị phải thể hiện được nội dung nghệ thuật, hình thức nghệ thuật, trên cơ sở bố cục chặt chẽ, cách điệu hình ảnh sinh động, sắc nét, không gian chắt lọc, kết cấu hình thức, nội dung phù hợp với yêu cầu cụ thể. Ví dụ như: tranh phòng chống ma túy cần thủ pháp thể hiện sinh động như cách điệu hình ảnh, bút pháp kích phóng đại, tương phản đối lập, hình đối kháng, tương phản... cũng như tìm ra mối liên hệ các hiện tượng, tín hiệu hình ảnh, những quy ước, nhằm thể hiện đúng bản chất sự việc, hiện tượng trên cơ sở tư duy trừu tượng. Điều bắt buộc trong sáng tác tranh cổ động chính trị phải gắn với thực tiễn của chủ đề sáng tác.

Tính chân thực trong tranh cổ động chính trị phải đảm bảo lòng tin của quần chúng khi họ tiếp nhận thông tin từ tác phẩm, đảm bảo rằng quần chúng khi xem tranh cổ động phải cảm nhận một cách đúng đắn về những thông tin trên đó như: nhận thức về ngôn ngữ, hình ảnh, tín hiệu, quy ước trong tranh; những thông tin phải rõ ràng, dễ hiểu, giúp quần chúng có cái nhìn đúng trước khi hành động.

Hình thức trong tranh cổ động chính trị luôn phải cô đọng, tính khái quát hóa cao, hình ảnh, nội dung ngôn ngữ phải được chắt lọc, màu sắc mạnh, phù hợp với truyền thống cách mạng để tạo sự lan tỏa, thu hút, tiến đến thuyết phục người xem để từ đó tự xác định tinh thần trách nhiệm, tự nâng cao tính tích cực trong các hoạt động xã hội.

Tính chân thực trong tranh cổ động chính trị giúp người xem hiểu và hành động đúng hướng, tạo lòng tin tự nguyện. Chính vì vậy mà tranh cổ động chính trị không né tránh hiện thực, đi thẳng vào chủ đề cụ thể, khai thác các khía cạnh xã hội để đả kích thói hư tật xấu, tôn vinh chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, đề cao đạo đức lối sống, ca ngợi các gương điển hình, gương người tốt việc tốt trước kia cũng như hiện nay.

Tranh cổ động chính trị dẫn dắt quần chúng thưởng thức cái đẹp nghệ thuật, giúp họ yêu thích tác phẩm nghệ thuật, rồi chính họ tìm hiểu những vấn đề ẩn chứa trong nội dung tác phẩm, để rồi chính họ giác ngộ tạo nên khí thế mới.

Thông tin trong tranh cổ động chính trị: ngôn ngữ phải rõ ràng, mạch lạc, tránh bị nhầm lẫn, sai sót, phản cảm; kiểu chữ trong tranh phải phù hợp với chủ đề nội dung tư tưởng, tránh thiếu sót, làm sai lệch thông tin; nội dung, hình thức phải được sáng tạo, không nên công thức hóa vấn đề mà thiếu cảm xúc dẫn đến khô cứng, không tạo nên tính mới cho tác phẩm.

Những sáng tạo trong tranh cổ động chính trị sẽ đem lại những giá trị nghệ thuật lâu dài, dễ dàng thu hút người xem bởi tâm lý con người luôn hướng tới sự mới mẻ, hoàn thiện.

TÍNH CHIẾN ĐẤU TRONG TRANH CỔ ĐỘNG CHÍNH TRỊ

Tranh cổ động chính trị cần thể hiện được mối quan hệ trong nhận thức đúng - sai, phải - trái, biểu dương hoặc phê phán kịp thời qua sáng tạo nội dung hình ảnh. Ngôn ngữ khẩu hiệu tuyên truyền cần mạnh lạc thể hiện tính sắc bén, cương quyết trong đấu tranh “nhằm thẳng quân thù mà bắn”; khẩu hiệu trong tranh không vòng vo, ẻo lả; ngôn ngữ cần chắc khỏe, văn hoa sáng sủa, chất lọc từng câu chữ, dùng dấu câu, ngắt dòng chuẩn xác, diễn đạt đúng nghĩa, tránh gây hiểu lầm, hiểu sai nghĩa.

Tính chiến đấu thể hiện trong sắp xếp bố cục hình ảnh, trong không gian xa gần, ước lệ của tác phẩm, trong mối quan hệ hình nền. Nhân vật trong tranh phải biểu cảm tâm hồn, sắc thái qua nụ, cười ánh mắt; hình ảnh vật thể, chiều hướng trong tranh, hình ảnh tả cần khái quát hóa, thể hiện được đặc điểm tính cách dân tộc vùng miền.

Hình cách điệu phải thể hiện được tính chiến đấu, mang tính biểu tượng cao, làm tâm lý người xem như được hòa với khí thế của tranh. Tín hiệu ảnh trong tranh cổ động cần được đơn giản hóa các chi tiết rườm rà, giúp người xem dễ hiểu, dễ nhớ, khó quên, luôn thường trực để hành động

TÍNH ĐẠI CHÚNG TRONG TRANH CỔ ĐỘNG CHÍNH TRỊ

Tính đại chúng trong tranh cổ động chính trị được thể hiện qua cách thức xây dựng hình tượng trong tranh dễ hiểu, dễ nhớ cùng với màu sắc được chắt lọc giúp người xem hiểu được nội dung của tranh.

Tranh cổ động chính trị là loại nghệ thuật quần chúng, nghệ thuật cổ vũ tinh thần mãnh liệt; nội dung hình ảnh tuyên truyền luôn gắn với cuộc sống thực tiễn phong phú của đại đa số quần chúng nhân dân. Tranh cổ động chính trị gần gũi, dễ tiếp cận để quần chúng tiếp nhận một cách ngẫu nhiên qua biểu hiện hình thức đẹp, nội dung hay, không cần tư duy vòng vo, khó hiểu.

TÍNH THIẾT THỰC TRONG TRANH CỔ ĐỘNG CHÍNH TRỊ

Tính thiết thực trong tranh cổ động chính trị được thể hiện ở sự cụ thể hóa nội dung tuyên truyền từ thực tế qua các đề tài như nông nghiệp, công nghiệp, giáo dục, y tế, tệ nạn xã hội; tính hiện thực còn thể hiện qua khai thác thực tế để phản ánh thực tế.

Sáng tác tranh cổ động chính trị phải gắn với phong trào quần chúng, nội dung hình thức phải thiết thực với xã hội và xã hội quan tâm. Tranh cổ động chính trị cổ động cho ai? Hình thức sáng tạo thế nào? Sáng tác nhằm mục đích gì? Lựa chọn câu từ nào cho phù hợp với hình thức của tranh? Kiều chữ nào thích hợp, dễ đọc, phù hợp với bố cục của tranh?... là những câu hỏi cần luôn thường trực với các họa sĩ sáng tác.

Tính thiết thực đòi hỏi biểu tượng, hành động của nhân vật, bối cảnh không gian trong tranh phải thể hiện được tính khái quát hóa cao; phải thấy được hướng đến, triết lý, giáo dục, nhận thức trong quần chúng; phải khai thác được tính điền hình về hình ảnh, nội dung; hình thức tranh phải khoáng đạt, không bí bách trong xử lý đường nét, màu sắc.

Điều cốt yếu nhất của tính thiết thực là gây được ấn tượng, thuyết phục được quần chúng suy nghĩ và hành động theo định hướng tuyên truyền.

 

 

 

Một mẫu tranh cổ động do Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Lắk thực hiện.

MỐI QUAN HỆ GIỮA HÌNH THỨC VÀ NỘI DUNG TRONG TRANH CỔ ĐỘNG CHÍNH TRỊ

Tranh cổ động chính trị phải thể hiện được nội dung tư tưởng chính trị, đó là tiêu chí bất di bất dịch trong hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan. Nội dung chính trị phải là nền tảng cho những sáng tác nghệ thuật tranh cổ động, đồng thời cũng là đề tài cho biểu hiện sáng tác nghệ thuật.

Theo triết lý, tranh cổ động phải được sáng tạo ở mức độ biểu tượng cao, quy mô tác phẩm phải hoàn chỉnh, nghĩa là nội dung đó phải được chuyển hóa thành dạng hình tượng, tượng trưng, biểu tượng, dưới dạng hình dáng hay hình ảnh thật, được điển hình hóa bằng bố cục, không gian, tín hiệu, hình ảnh.

Biểu hiện hình trong tranh cổ động chính trị dù có chi tiết hay đơn giản đến đâu cũng cần đạt giá trị nghệ thuật cao mà ngôn ngữ thông thường khó mà diễn tả hết được bằng lời như ngôn ngữ viết, lời bình, miêu tả; đồng thời hình tượng, biểu tượng đó phải có vị trí khác biệt với ngôn ngữ thông thường. Tuy nhiên, không phải bất cứ ý nghĩa nội dung chính trị nào cũng có thể thể hiện được thành hình tượng ngôn ngữ trong tranh cổ động chính trị.

Nội dung ngôn ngữ phải được chuyển hóa thành ngôn ngữ hình tượng với các đặc trưng của ngôn ngữ tạo hình. Trong ngôn ngữ nghệ thuật tạo hình, hình tượng được hiểu theo nghĩa rộng; còn hình dạng, hay hình dáng thường biểu hiện hình ảnh cụ thể, thông thường.

Tựu trung lại, các yếu tố về hình, màu, nét, mảng, đậm nhạt trong cơ sở tạo hình đều đem đến sự cảm nhận qua không gian thị giác. Điều quan trọng là hình ảnh đó có nội dung ý nghĩa ra sao, mục đích đem đến với đối tượng người xem nào mới trở thành tiếng nói riêng, tiếng nói khác trong nội dung chính trị cần truyền đạt (truyền đạt nội dung tư tưởng chính trị qua ngôn ngữ nghệ thuật trong tranh cổ động chính trị). Sáng tác được hình tượng nghệ thuật cao cũng sẽ gây được sự cảm nhận nhất định cho người xem, điểm này thể hiện tính mới trong nghệ thuật cổ động chính trị.

Nội dung đề tài trong tranh cổ động chính trị luôn đặt ra yêu cầu đúng đắn, chính xác, cụ thể trong các sáng tác, tìm tòi ý tưởng tạo hình tượng của tranh cũng như các yếu tố nghệ thuật. Chính vì vậy, khi sáng tác tranh cổ động chính trị, người nghệ sĩ phải cần nghiên cứu kỹ các sự kiện đang diễn ra với những biến đổi thực tế của xã hội hay một vấn đề nào đó liên quan để làm điểm xuất phát, đảm bảo rằng tính thông tin thời sự trong xây dựng sáng tạo hình tượng nghệ thuật đảm bảo tính tư tưởng định hướng về nội dung chính trị theo đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hình tượng phù hợp với chủ đề nội dung tư tưởng trọng tâm trong thực hiện nhiệm vụ chiến lược cụ thể và có ý nghĩa nội dung trong hình tượng của vấn đề này.

Tóm lại, tính chất trong tranh cổ động chính trị: phải đảm bảo thông tin kịp thời, thể hiện được những yêu cầu cụ thể về mặt nội dung, hình thức, mang tính thời sự theo quan điểm, đường lối chính trị trong giai đoạn mới; tìm tòi sáng tạo hình tượng nghệ thuật với các yếu tố mới mang tính tượng trưng tạo hình thẩm mĩ cao, chắt lọc; hình tượng nghệ thuật phải phù hợp với số đông quần chúng, đảm bảo thông tin trên tranh dễ hiểu, dễ nhớ, cô đọng, tính đại chúng cao; khái quát hóa nội dung và hình tượng hóa nội dung chính trị để chuyển hóa thành một tác phẩm có hình ảnh biểu tượng đẹp, nội dung hay, phù hợp với ngôn ngữ cổ động; tạo hình đẹp, đạt tiêu chuẩn đồ họa, mảng diện, nét vẽ phải chắt lọc, màu sắc hài hòa.

*      *      *

 

Trong sáng tác tranh cổ động chính trị, nội dung và hình ảnh cần thể hiện chặt chẽ, cụ thể, không tách rời nhau làm mất đi vẻ đẹp, gây nên những khó hiểu. Chủ đề chính trị chỉ là nội dung gợi mở để người sáng tác xây dựng nên hình tượng cho một tác phẩm nghệ thuật cụ thể.

Với người nghệ sĩ, việc đầu tiên của sáng tác là phải nghiên cứu sự kiện với những biến đổi thực tế xã hội, những chủ trương, chính sách, mục tiêu sự kiện để tìm ra “tiếng nói” quyết định nội dung, hình thức tạo hình cho bức tranh cổ động. Nội dung chính trị biểu hiện thường là xu hướng, chương trình, kế hoạch, những vấn đề chính trị, xã hội qua các những sự kiện mang tính thời sự, thường là những vấn đề trong nước, quốc tế; những vấn đề của xã hội, bộ ngành; những sáng tạo, ca ngợi Đảng, Bác Hồ; quan hệ xã hội, ca ngợi tình đoàn kết các dân tộc anh em, các hoạt động sản xuất, ngành nghề, sinh hoạt cộng đồng; những vấn đề trước mắt, lâu dài. Các đề tài chủ yếu thường được thể hiện trong tranh cổ động chính trị như đường lối, mục tiêu chính trị, chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình, tình đoàn kết dân tộc, lãnh tụ, lời kêu gọi hành động cụ thể. Tranh cổ động chính trị không tách rời với tính chất thời sự, và thời sự cũng là nội dung của tranh cổ động chính trị.

Nhìn chung, tính chất tranh cổ động chính trị đều phải toát lên nội dung chính trị một cách rõ ràng, dù nội dung đó được thể hiện ẩn dụ hay đi thẳng vào vấn đề cụ thể, trực tiếp hay gián tiếp ẩn sâu vào những hình ảnh sáng tạo trong tranh thì tính thời sự vẫn được thể hiện.

Tranh cổ động chính trị luôn là ngọn cờ tiên phong trong các cuộc đấu tranh cách mạng, cổ động, đã khích lệ quần chúng nhân dân đoàn kết đồng lòng trong các giai đoạn lịch sử Việt Nam, cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác./.

TS. HOÀNG MINH CỦA (lyluanphebinh.vn)

About